Hiệu quả trồng cây thuốc nam ở Yên Bái
Ngày đăng : 15/08/2018 - 10:37 AM
Hiệu quả trồng cây thuốc nam ở Yên Bái
Từ trồng cây thuốc nam, gia đình chị Sơn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá trong xã.
Chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây khôi của gia đình chị Bùi Thị Sơn ở thôn 3, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, khi cây đang cho thu hoạch lá. Cầm những nắm lá khôi trong tay, chị vui mừng kể lại câu chuyện về cây dược liệu này. Năm 1998, chị làm thuê cho gia đình chế biến thuốc nam, thấy họ tìm mua loại lá này, mà cây này trên rừng có.
Tìm hiểu ra mới biết, các cơ sở chế biến thuốc đông y tìm mua lá cây này làm thành phần trong thuốc chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột... Từ đó, chị cùng anh em trong nhà lên rừng tìm cây về trồng tại nhà. Chị phá bỏ toàn bộ đồi chè để trồng cây khôi. Đến nay đã tròn 20 năm, gia đình chị Bùi Thị Sơn thấy được hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này.
Với tổng diện tích khoảng 1.800 m2 đất trồng cây khôi tía, trung bình 1,5 tháng gia đình chị Sơn lại thu hoạch lá 1 lần với khoảng 60 kg lá khô/đợt. Với giá bán ổn định cho các công ty dược trong nước từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, gia đình chị Sơn thu về gần 150 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu từ việc trồng cây khôi tía, chị Sơn còn nghiên cứu thành công phương pháp giâm cành, giúp nhân giống một cách hiệu quả nhất. Hàng năm gia đình chị bán từ 3.000 - 5.000 cây giống với giá 12.000 đồng/cây, cho thu nhập từ 35 - 60 triệu đồng.
Chị Bùi Thị Sơn cho biết: "Từ khi đưa cây khôi tía vào trồng, kinh tế gia đình khá hơn. Trồng loại cây này có thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định mà tốn ít công chăm sóc, thu hoạch. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích”.
Đồng chí Lương Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh cho biết: "Đây là mô hình trồng cây dược liệu mới nhưng bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao cho một số hộ dân trong xã. Tuy nhiên, quy mô trồng loại cây dược liệu này còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch vẫn theo cách thủ công nên đã hạn chế sự phát triển của cây, làm giảm năng suất thu hoạch lá. Hiện nay, xã đang trong quá trình kiểm tra, tìm hiểu về giá trị tiềm năng của loại cây dược liệu này để đưa vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị trên diện tích đất”.
Theo báo cáo của Hội Đông y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 860 vườn cây thuốc nam, mỗi năm khai thác được trên 130 tấn dược liệu thô cung cấp cho các bệnh viện và Công ty cổ phần Dược phẩm tỉnh Yên Bái. Tổng số dược liệu được bào chế đạt trên 120 tấn/năm, trong đó chủ yếu là các loại dược liệu như: quế, sả, mạch môn, sơn tra, gừng, hoài sơn, atiso, bách bộ, đinh lăng, khôi tía, cà gai leo, ý dĩ, hà thủ ô đỏ… Ngoài một số cây dược liệu thân gỗ như quế, sơn tra thì hầu hết các loại cây dược liệu được trồng tại các địa phương trong tỉnh đều là cây trồng dưới tán.
Vì vậy, việc trồng thâm canh, xen canh các loại cây trồng khác với cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Nhờ chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả hoặc tận dụng diện tích đất dưới tán rừng sang trồng cây thuốc nam, vốn đầu tư không lớn, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhiều hộ dân đã phát huy được tiềm năng, lợi thế về diện tích đất đồi rừng để vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Để tiếp tục phát triển và bảo tồn cây dược liệu, từ nay đến năm 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng khoảng 26.470 ha cây dược liệu, xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu.
Để đạt mục tiêu đề ra, hiện tỉnh Yên Bái đang khuyến khích các địa phương phát triển trồng cây dược liệu trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, lựa chọn, phân vùng diện tích trồng cây dược liệu phù hợp với từng địa phương, từng loại cây trồng; kết hợp với việc thu hái, khai thác có chọn lọc các loại dược liệu tự nhiên theo hướng duy trì, bảo tồn, phát triển bền vững, nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy trồng cây thuốc nam mang lại hiệu quả cao nhưng cũng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, tránh trồng ồ ạt để thuận lợi đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
Hiện nay, việc trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu là tự phát, manh mún, còn thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển.
Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ giúp người dân xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu, các cấp, ngành, các địa phương cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu. Bởi các loại cây này không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài viết khác
- Phương pháp chữa dứt điểm bệnh trĩ bằng đông y của lương y Triệu Văn Nghiệp
- Hiệu quả từ thảo dược núi rừng của người Dao đối với bệnh đau nhức xương khớp
- Đâu mới thật sự là thứ quý trọng nhất của mỗi người!
- 6 bài thuốc dân gian cho người mắc viêm xoang
- Thuốc nam - thần dược điều trị thoái hóa đốt sống cổ
- Sự thật về cây “thuốc tiên” chữa khỏi ung thư phổi
- 3 Bài thuốc dân gian trị tận gốc lang ben
- Nuôi heo rừng lai bằng cây thuốc nam
- Chỉ trồng 2 loài cây thuốc bổ, "soái ca" miệt vườn thu ngót 1 tỷ/năm
- Cô gái làm giàu từ ươm cây thuốc